Trào ngược dạ dày- thực quản ở trẻ nhỏ
Ngày đăng: 29/11/2010
Lượt xem: 57444
Có đến 2/3 trẻ nhỏ đã gặp phải tình trạng này trong những tháng đầu đời, nhưng đa số tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi. Chỉ một số ít sẽ tiếp tục diễn tiến lâu hơn và xuất hiện các biến chứng nặng nề.
Sau khi nuốt, thức ăn sẽ đi từ miệng xuống một cái “ống dài” là thực quản ( TQ) trước khi vào dạ dày (DD). Ở chỗ TQ nối với DD có một số cấu trúc đặc biệt làm TQ “đóng lại”, giúp thức ăn không bị “dội ngược” trở lên khi DD co bóp, trong đó quan trọng nhất là cơ hoành và cơ vòng dưới TQ. Trong một số trường hợp, do bất thường trong cấu trúc cơ hoành, hoặc thường gặp hơn là do cơ vòng dưới TQ thường xuyên giãn ra, làm “ mở cửa toang hoang” trong lúc DD đang co bóp mạnh mẽ, gây nên luồng thức ăn bị trào ngược lên trên. Đó là tình trạng trào ngược DD – TQ.
Ước tính có hơn 50% trẻ khỏe mạnh có tiền sử trào ngược DD – TQ sinh lý trong 3 tháng đầu đời. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ thoái lui khi trẻ lớn lên nhờ các cấu trúc của đường tiêu hóa dần hoàn chỉnh và chế độ ăn cũng đặc dần, chỉ 5% trẻ tiếp tục vẫn bị trào ngược sau thời điểm 1 tuổi. Nhóm trẻ này dễ có nguy cơ xuất hiện các biến chứng của trào ngược, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và tình trạng trào ngược sinh lý trước kia giờ trở thành bệnh lý.
Làm sao nhận biết được bé bị trào ngược sinh lý hay bệnh lý ?
Nếu bé dưới 6 tháng tuổi, một ngày bị trớ sữa vài lần nhưng vẫn vui vẻ, lên cân tốt, không bị khò khè tái đi tái lại….thì nhiều khả năng chỉ là trào ngược sinh lý. Nếu trẻ vẫn thường ọc sữa sau 1 tuổi, chậm lên cân, gầy gò, sợ ăn, khò khè, viêm phổi tái phát nhiều lần….thì nhiều khả năng trào ngược đã trở thành bệnh lý.
Bệnh trào ngược DD –TQ có nguy hiểm không ?
Các biến chứng có thể thấy ngay mà cơ quan gần nhất phải gánh chịu là TQ. TQ sẽ bị viêm với nhiều mức độ khác nhau gây ảnh hưởng đến việc ăn uống của bé. Cơ quan bị ảnh hưởng hay gặp nữa là hệ hô hấp. Bé sẽ dễ bị ho, khò khè kéo dài mà không đáp ứng với các điều trị thông thường. Gần đây, các nhà khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ mật thiết ở những trẻ bị bệnh trào ngược DD – TQ và tình trạng hen suyễn. Ngoài ra, trẻ bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, nuôi chậm lớn và về lâu dài có thể đưa tới những rối loạn phát triển hành vi.
Cách chăm sóc trẻ bị trào ngược DD – TQ :
- Các cữ bú nên được chia nhỏ mỗi lần 30 – 60 ml. Đối với những bé phải bú với số lượng nhiều, cứ sau mỗi 60ml thì vẫn giữ tư thế đang ẵm, đầu cao và vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ rồi bú tiếp. không vác trẻ lên vai trong những trường hợp này vì dễ làm trẻ ọc sữa ra do DD bị đè ép.
- Làm đặc sữa cũng là biện pháp được nhắc đến bằng cách bỏ thêm bột gạo vào sữa , giúp sữa sệt hơn. Những trường hợp này nên cắt lỗ núm vú rộng hơn một chút giúp sữa đặc có thể xuống dễ dàng. Do lượng calo trong bột cao hơn sữa nên thể tích mỗi lần bú không cần nhiều như trước, giúp giảm số lượng sữa trong DD cũng làm giảm trào ngược.
- Sau khi bú xong, trẻ nên được đặt nằm đầu cao khoảng 30 độ là tư thế giúp giảm triệu chứng trào ngược. Ngoài ra, một số trẻ bị dị ứng protein sữa bò có biểu hiện trào ngược, nên một số trẻ mà đang uống sữa bột nghi ngờ có tình trạng này sẽ được bác sĩ hướng dẫn đổi qua loại sữa phù hợp.
Đăng bởi: Khoa Hồi Sức
Các tin khác
Lập kế hoạch nếu Bạn bị dị ứng thức ăn 20/06/2018
Xử trí khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy 08/04/2018
PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DỊP LỄ TẾT 10/02/2018
Tìm hiểu về Salmonella 14/08/2016
Nhiễm khuẩn H.P (Helicobacter pylori) dạ dày 13/04/2015
Bảo đảm rằng trẻ được đủ nước. 06/12/2012
Tìm hiểu về mất nước ở người lớn. 06/06/2012