Những điều cần biết trong điều trị bệnh hen suyễn
Ngày đăng: 24/04/2012
Lượt xem: 29315
Suyễn là một bệnh lý hô hấp mãn tính nhưng sẽ không ngăn cản con của bạn có một cuộc sống năng động và tích cực nếu bạn tìm hiểu làm thế nào để quản lý suyễn.
Chẩn đoán suyễn ở trẻ nhỏ rất khó khăn vì:
- Ít nhất 1 trong 7 trẻ sẽ có khò khè tại một số thời điểm trong suốt 5 năm đầu đời. Nhiều trẻ trong số này sẽ không có bệnh hen suyễn ở giai đoạn sau nên các bác sỹ không muốn sử dụng từ “hen suyễn” ở giai đoạn này.
- Rất khó để đánh giá chức năng phổi ở trẻ nhỏ. Đo lưu lượng đỉnh (peak flow meter) được sử dụng ở trẻ lớn, không thích hợp và không đủ tin cậy ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.
- Các triệu chứng diễn tiến theo thời gian sẽ cho thấy trẻ có bị suyễn hay không. Vì vậy bác sỹ có thể yêu cầu cha mẹ ghi nhận các triệu chứng của con bạn và khi nào chúng xảy ra. Điều đó giúp cho bác sỹ nắm bắt được các vấn đề về hô hấp của con bạn.
-Nếu con của bạn dưới 2 tuổi, càng khó khăn hơn để nói trẻ có suyễn hay không. Có rất nhiều bệnh lý khác nhau như: viêm tiểu phế quản cấp tính, viêm phế quản khò khè cũng như suyễn có thể làm cho con của bạn khò khè.
Trẻ sẽ tiếp tục bị suyễn?
Một số trẻ bị suyễn sẽ mất dần triệu chứng theo thời gian khi chúng lớn lên. Một số khác thấy triệu chứng trở nên nhẹ hơn. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng các tổn thương ở đường dẫn khí không biến mất và triệu chứng suyễn có thể xuất hiện trở lại sau này
Thuốc điều trị suyễn
Có hai loại thuốc chính trong điều trị suyễn: thuốc cắt cơn( reliever) và thuốc dự phòng( preventer)- chúng có tác dụng hoàn toàn khác nhau. Hầu hết thuốc suyễn được sử dụng ở dạng thuốc hít vì đây là một cách sử dụng thuốc rất hiệu quả giúp thuốc đi thẳng vào phổi.
Thuốc hít có thể ở dạng phun sương( khí dung) hoặc dạng bột khô. Thuốc hít dạng bột khô nên sử dụng với buồng đệm( babyhaler) giúp thuốc dễ sử dụng và hiệu quả hơn.
Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh dạng hít
Thuốc cắt cơn là thuốc mà trẻ có thể sử dụng ngay lập tức khi bắt đầu có triệu chứng suyễn. Thuốc nhanh chóng làm giãn các cơ quanh đường dẫn khí giúp đường thở mở rộng hơn, và trẻ sẽ dễ thở hơn. Vì vậy mỗi trẻ bị suyễn nên luôn luôn có sẵn thuốc cắt cơn bên cạnh mọi lúc mọi nơi.
Nếu con của bạn sử dụng thuốc cắt cơn ≥ 3 lần/ tuần thì có thể suyễn của con bạn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Khi đó bác sỹ cần phải đánh giá lại bệnh suyễn của trẻ.
Thuốc cắt cơn dạng hít an toàn và hiệu quả, có ít tác dụng phụ. Một vài loại thuốc cắt cơn dùng ở liều cao hoặc dạng siro có thể làm tăng nhịp tim, run cơ hoặc làm trẻ khó chịu kích thích. Tuy nhiên các tác dụng phụ này thường ngắn thoáng qua, tự hết sau vài phút hoặc vài giờ
Thuốc dự phòng dạng hít
Thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc đường thở, giảm phù nề và ngăn cản phản ứng nhạy cảm với tác nhân gây suyễn. Điều đó có nghĩa là trẻ sẽ ít có khả năng lên cơn suyễn khi tiếp xúc với tác nhân gây suyễn. Tuy nhiên không phải tất cả các trẻ bị suyễn đều phải dùng thuốc dự phòng. Tùy theo các triệu chứng suyễn của trẻ và lứa tuổi mà bác sỹ sẽ có chỉ định dùng thuốc dự phòng hay không và dùng loại thuốc nào phù hợp với trẻ.
Thuốc dự phòng chứa steroid dạng hít, có nhiều loại steroid hít nhưng chúng có cùng một tác dụng:
- Giảm nguy cơ bị cơn suyễn nặng
- Tác dụng bảo vệ của thuốc chỉ xuất hiện sau một khoảng thời gian dùng thuốc, vì vậy thuốc cần phải được sử dụng liên tục mỗi ngày, thường là buổi sáng và buổi tối, ngay cả khi trẻ không có cơn suyễn.
- Khi trẻ bắt đầu dung thuốc, có thể mất khoảng 14 ngày thì chúng ta mới thấy được tác dụng của thuốc là cải thiện triệu chứng suyễn.
Ít gặp các tác dụng phụ của thuốc vì thuốc dự phòng dạng hít đi thẳng vào phổi và tác dụng tại chỗ. Một số tác dụng phụ có thể gặp như trẻ bị đau họng, khàn tiếng và tưa miệng lưỡi. Để hạn chế các tác dụng phụ này, trẻ nên súc miệng và đánh răng sau khi hít thuốc. Sử dụng buồng đệm cũng giúp làm giảm tưa miệng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ dùng thuốc steroid dự phòng dạng hít với liều ≤ 400µg/ngày hầu như không có bất kỳ ảnh hưởng nào lên sự tăng trưởng về chiều cao.
Ở những trẻ dùng liều cao hơn hoặc uống steroid ngắn ngày có thể chậm lớn trong một giai đoạn ngắn. Tuy nhiên, những trẻ này thường đạt được chiều cao như dự đoán vào giai đoạn dậy thì.
Điều quan trọng cần lưu ý rằng chính bệnh suyễn mãn tính ở trẻ em không được điều trị mới gây ra chậm lớn.Vì vậy các bác sỹ sẽ cố gắng duy trì liều thấp nhất có hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng suyễn của con bạn.
Những thuốc điều trị khác
Ở một số trường hợp suyễn không kiểm soát tốt với điều trị thuốc dự phòng chứa steroid đơn thuần, các bác sỹ sẽ cân nhắc việc điều trị phối hợp thuốc dự phòng steroid dạng hít với thuốc cắt cơn tác dụng kéo dài hoặc với thuốc dự phòng non-steroid dạng viên.
Một đợt uống ngắn ngày (3-5 ngày) thỉnh thoảng cần thiết sử dụng trong điều trị cơn suyễn cấp. Thuốc có hiệu quả tốt trong việc cải thiện triệu chứng suyễn nặng.
Những yếu tố khởi phát cơn suyễn
-Thú nuôi
- Không khí ô nhiễm: khói thuốc lá, bụi, khói thải từ xe cộ,nhà máy
- Cảm lạnh và nhiễm siêu vi
- Thay đổi cảm xúc: căng thẳng, lo âu, buồn phiền
- Vận động, tập luyện thể thao
- Dị ứng thức ăn, thuốc
- Con mạt nhà
- Nấm, phấn hoa
- Thay đổi thời tiết
Không thể tránh hoàn toàn các yếu tố khởi phát, nhưng một khi bạn đã xác định được tác nhân nào có thể gây ra cơn suyễn cho con của bạn thì bạn có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng suyễn của trẻ và giúp kiểm soát suyễn tốt.
Một điều vô cùng quan trọng trong kiểm soát suyễn là tránh các yếu tố khởi phát suyễn, đồng thời sự hiểu biết về bệnh suyễn, điều trị cũng như điều chỉnh lối sống sinh hoạt có thể giúp bạn và con bạn đạt được kiểm soát suyễn tốt
Đăng bởi: BS.Thụy Vy - Khoa Hô hấp chuyên sâu
Các tin khác
Ho ở trẻ là phản xạ có lợi 18/09/2023
Tác Hại Của Thuốc Lá Điện Tử 30/05/2023
Cảnh giác dị vật đường thở 24/02/2021
Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Đường Hô Hấp Trên 22/10/2020
5 cách để quản lý suyễn 25/09/2018
Cảm cúm ở trẻ em 23/02/2016