CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM TRONG NHỮNG NGÀY TẾT- CÁCH XỬ TRÍ VÀ PHÒNG NGỪA (Phần 1)
Ngày đăng: 25/01/2009
Lượt xem: 7891
Ăn ngon, mặc đẹp là những nhu cầu cơ bản của cuộc sống con người, nhất là trẻ em. Vào những ngày Tết, việc chuẩn bị những món ăn ngon nhất để đón năm mới là một nét đẹp văn hóa, truyền thống của người Việt nam chúng ta. Tuy nhiên, việc ăn uống ở trẻ em nếu không thận trọng sẽ gặp những phiền toái khó lường, làm cho không khí vui xuân của gia đình không được trọn vẹn.
Mặc khác, Tết là thời điểm chuyển mùa, mà đặc biệt năm nay tiết trời trở lạnh hơn mọi năm trẻ em rất dễ dàng nhiễm bệnh nếu không biết giữ gìn cẩn thận. Đồng thời do bận rộn trong những ngày Tết nên các bậc phụ huynh cũng hay lơ là trong việc chăm sóc các cháu, do đó các cháu cũng có thể gặp một số tai nạn đáng tiếc trong sinh hoạt.
Do đó để có được một mùa vui xuân trọn vẹn, các bậc phụ huynh cần phải phòng ngừa những bệnh tật cũng như một số tai nạn có thể xảy ra cho các cháu như sau: ngộ độc thức ăn hay tiêu chảy cấp, đặc biệt và nặng hơn là dịch tả; các bệnh lý đường hô hấp như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi hay hen suyễn, chấn thương do tai nạn giao thông, dị vật đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa, bị bỏng do điện hoặc nước sôi, hạ đường huyết. Ngoài ra, ở trẻ em còn có thể gặp một số bệnh trong những ngày lạnh cuối năm như quai bị, thủy đậu, viêm màng não.
Tiêu chảy cấp thường do trẻ ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn dự trữ lâu ngày hoặc sữa pha sẵn để quá lâu…bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi. Tác nhân gây bệnh thường là do Rotavirus, E.coli, Shigella... Triệu chứng gồm tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc sốt. Nếu bị mất nước nhiều trẻ có thể bị mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, da khô, tiểu ít. Xử trí tại nhà cần bù dịch cho trẻ bằng dung dịch ORS, và cho ăn thức ăn dễ tiêu nhưng phải đầy đủ chất đạm.
Trong nhà ngày Tết thường dự trữ nhiều thức ăn, được chế biến sẵn như: bánh mứt, thịt, cá, bánh chưng, giò chả... nếu không được bảo quản kỹ sẽ là môi trường thuận lợi cho những loại vi trùng sinh sôi và phát triển như E.coli, Shigella.... đồng thời là lúc các em được nghỉ học, vui chơi, ăn uống nhiều hơn ngày thường. Do đó cũng là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, triệu chứng thường gặp là trẻ bị đau quặn bụng, nôn ói nhiều lần, tiêu chảy, xuất hiện trong khoảng 1-6 giờ sau khi trẻ sử dụng các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn này. Chăm sóc tại nhà nên chú ý cho trẻ nghỉ ngơi, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, bù dịch cho trẻ bằng dung dịch ORS như trên. Nếu tình trạng không cải thiện nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. Để phòng ngừa nên cho trẻ ăn những loại thức ăn hợp vệ sinh, giàu dinh dưỡng, hạn chế sử dụng thức ăn dự trữ lâu ngày, trẻ bú bình nên chú ý vệ sinh bình sữa, không cho trẻ uống sữa đã pha để quá 1 giờ.(còn tiếp)
Đăng bởi: BS CKII. TRỊNH HỮU TÙNG - PHÓ TRƯỞNG PHÒNG KHTH
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021