Thông liên nhĩ lỗ thứ phát
Ngày đăng: 20/07/2008
Lượt xem: 64366
Câu hỏi:
Thưa bác sĩ!
Con trai tôi được phát hiện bệnh tim bẩm sinh lúc 18 ngày tuổi. Lúc nhập viện, bác sĩ chuẩn đoán: Cơn nhịp nhanh (235lần/phút). Thông liên nhĩ lỗ thức phát d=4mm; shunt(T)-(P), hở van 3 lá 4/4, Cao áp phổi nhẹ, bóng tim to. Sau 8 ngày điều trị, bác sĩ cho về. 1 tuần sau tái khám, bác sĩ chuẩn đoán: Thông liên nhĩ lỗ thức phát d=4mm; shunt(T)-(P). Không cao áp phổi. Các buồng tim trong giới hạn bình thường. Chức năng thu tâm thất (T) trong giới hạn bình thường. Bác sĩ hẹn 3 tháng sau tái khám và không cần phải uống thuốc. Nhưng hiện nay, do chưa yên tâm, tôi muốn hỏi bác sĩ trả lời kỹ hơn về tình trạng bệnh của cháu. Hiện tình hình sức khỏe của cháu bình thừơng. Sau 1 tháng cháu lên 1kg. Cháu bú ít chỉ khoảng 60-70ml/lần, 2h/lần, ngủ tốt. Như vậy cháu có cần phải phẫu thuật và phẫu thuật vào lúc nào là tốt nhất, sau phẫu thuật có thể có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu sau này? Liệu bệnh của cháu có thể tự hết luôn được không?
Người hỏi: Bui Thu giang
Trả lời:
Chào chị Giang!
Theo như những gì chị mô tả về bệnh tình của cháu bé được các Bác sĩ chẩn đoán, thì rõ ràng bé có bệnh tim bẩm sinh là Thông liên nhĩ lỗ thứ phát ( hay còn gọi CIA os).
Để tìm hiểu rõ hơn về tim bẩm sinh, chị có thể xem các giải đáp thắc mắc mà tôi đã trả lời về tim bẩm sinh trong những lần trước trong mục giải đáp thắc mắc (ngày 13/6/2007; 17/11/2007; 18/12/2007; 13/4/2008; 21/5/2008 và 6/7/2008).
Vào thời điểm cháu bé nhập viện được các BS chẩn đoán là cơn nhịp nhanh, thông liên nhĩ lỗ thứ phát, hở van 3 lá 4/4, cao áp phổi có thể lý giải như sau: có thể vì một nguyên nhân nào đó (như nhiễm trùng, rối loạn điện giải, … ) làm cho nhịp tim của bé tăng cao (180 – 250 lần/phút), trong thời kỳ sơ sinh ở một số trường hợp có thể còn tồn tại tuần hoàn bào thai nên áp lực của hệ động mạch phổi cao hơn áp lực hệ động mạch chủ, vì vậy dẫn đến hệ quả là áp lực buồng tâm thất phải quá cao gây hở van 3 lá (4/4 là mức độ hở nặng).
Sau khi được điều chỉnh (8 ngày điều trị), đồng thời với tuần hoàn bào thai không còn tồn tại, nên các BS chẩn đoán bé khi ra viện chỉ là thông liên nhĩ lỗ thứ phát mà không còn cao áp phổi và hở van 3 lá nữa.
Ở một số trường hợp lỗ thông liên nhĩ có thể tự đóng lại, trẻ sẽ trở về bình thường như những trẻ khác. Do đó, BS hẹn tái khám sau mỗi 3 tháng để siêu âm kiểm tra lại xem tình trạng diễn tiến của bé như thế nào.
Tuy nhiên, nếu lỗ thông liên nhĩ vẫn tồn tại mà không có tình trạng cao áp động mạch phổi, thì không cần phải dùng thuốc gì cả cũng như không cần phải can thiệp phẫu thuật để vá lỗ thông. Nhưng chị nên nhớ là cháu vẫn có tật tim bẩm sinh, do vậy mỗi khi bé có cần làm các thủ thuật xâm nhập có nguy cơ chảy máu như nhổ răng, nội soi… cần phải báo cho BS biết để cho bé dùng kháng sinh phòng ngừa viêm nội tâm mạc trước khi làm thủ thuật. Còn nếu như lỗ thông liên nhĩ ngày càng to, có tình trạng cao áp động mạch phổi, có thể dẫn đến suy tim, tình trạng nhiễm trùng phổi tái diễn nhiều lần…thì cần phải được can thiệp để vá lỗ thông (có thể phẫu thuật tim hở hay thông tim can thiệp). Sau khi đóng lỗ thông lại thì bé có cuộc sống như những trẻ bình thường khác.
Cháu bé trong vòng 1 tháng mà cân nặng tăng 1 kg, mỗi 2 giờ bú 1 lần như vậy là quá tốt.
Chị nên cho bé tái khám định kỳ và làm siêu âm tim theo dõi tại BV Nhi đồng 2 hoặc BV Nhi đồng 1 hoặc Viện Tim.
Chào chị.
Trả lời bởi: BS.CK2.Trịnh Hữu Tùng
Các tin khác
Hẹp động mạch phổi 01/04/2015
Chế độ dinh dưỡng cho bé tim bẩm sinh 14/04/2014
Dãn cơ tim 05/04/2014
Biểu hiện tăng áp phổi và suy tim 04/04/2014
Tư vấn tim bẩm sinh 18/03/2014
Tăng áp phổi và suy tim 17/03/2014
thông liên thất quanh màng kích thước 6mm 28/02/2014
Bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục 27/02/2014
Tư vấn tim bẩm sinh 13/02/2014
Thông liên thất quanh màng 12/02/2014